Một số vấn đề cần biết về bệnh viêm màng bồ đào
Đôi mắt là một trong những cơ quan nhạy cảm nhất của con người, bất cứ tác động nào gây tổn thương hoặc bệnh lý ở mắt đều nguy hiểm với sức khỏe và thị lực của người bệnh. Một trong những bệnh về mắt thường hay gặp nhất là viêm màng bồ đào mắt, gây nên những triệu chứng khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Nếu quá trình điều trị không tốt, bệnh nhân có thể phải đối mặt với biến chứng như đục thủy tinh thể, teo nhãn cầu, tăng nhãn áp và có nguy cơ dẫn mù lòa,… Sau đây hãy cùng Paris Miki tìm hiểu một số vấn đề cần biết về viêm màng bồ đào mắt nhé!
1. Khái niệm về bệnh viêm màng bồ đào mắt
Màng bồ đào được tạo bởi 3 thành phần: Mống mắt cho màu sắc đặc trưng của mắt như xanh, nâu, đen. Thể mi giúp tạo dịch bên trong mắt. Hắc mạc là các mạch máu cung cấp máu cho mắt.
Viêm màng bồ đào là tình trạng viêm ở bất kỳ vị trí nào trong lớp có sắc tố ở bên trong mắt (màng bồ đào). Nếu tình trạng viêm xảy ra ở bất cứ 1 trong 3 phần trên thì được gọi là viêm màng bồ đào. Bệnh có thể gây ảnh hưởng đến thủy tinh thể, võng mạc và các dây thần kinh thị giác.
Viêm màng bồ đào là một bệnh mắt khá phổ biến trên thế giới, nó thường gặp ở mọi lứa tuổi, bệnh có căn nguyên phức tạp, thường gây ra những tổn thương nặng nề, nhiều biến chứng, hay tái phát và có thể dẫn đến tình trạng mù lòa nếu không được điều trị kịp thời hoặc không kiên trì trong quá trình điều trị.
Viêm màng bồ đào là bệnh khá phổ biến ở mắt ( Nguồn internet)
2. Nguyên nhân gây ra tình trạng viêm màng bồ đào
Nguyên nhân gây ra viêm màng bồ đào có thể chỉ giới hạn ở mắt hoặc do các rối loạn ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể trong đó có mắt. Đa phần người mắc bệnh đều không có thể xác định được nguyên nhân (gọi là viêm màng bồ đào vô căn hoặc viêm màng bồ đào không rõ nguyên nhân).
Nhiều người bị viêm màng bồ đào sẽ kèm theo rối loạn các cơ quan ở những nơi khác trong cơ thể. Chúng bao gồm các bệnh về viêm nhiễm, chẳng hạn như hội chứng Behcet, hay viêm cột sống dính khớp hoặc viêm khớp tự phát ở trẻ vị thành niên, bệnh sarcoidosis, viêm khớp phản ứng, các bệnh viêm ruột (bệnh Crohn và viêm loét đại tràng).
Một số người bị nhiễm trùng lan rộng, chẳng hạn như bệnh lao, bệnh giang mai hay là bệnh Lyme.
Các nguyên nhân có thể khác nhau bao gồm nhiễm trùng có thể chỉ ảnh hưởng đến mắt, chẳng hạn như nhiễm trùng herpes (do virus herpes simplex), bệnh zona thần kinh(do virus varicella-zoster), bệnh toxoplasmosis và cytomegalovirus. Cytomegalovirus chủ yếu xảy ra ở những người có hệ thống miễn dịch đã bị tổn thương, chẳng hạn như những người bị nhiễm vi rút HIV hoặc những người dùng thuốc ức chế tới hệ thống miễn dịch.
Chấn thương mắt là nguyên nhân phổ biến nhất của viêm màng bồ đào trước. Trong quá trình sinh hoạt bị tác động bởi nhiều vấn đề liên quan tới mắt như dị vật bay vào mắt hay những tác động khác.
Mặc dù rất hiếm gặp nhưng một số loại thuốc (như pamidronate, rifabutin, kháng sinh sulfonamide, cidofovir) có thể gây viêm màng bồ đào.
Dị vật bay vào mắt rất dễ dẫn đến viêm màng bồ đào ( Nguồn internet)
3. Viêm màng bồ đào mắt thường có những triệu chứng gì
Các triệu chứng ban đầu của viêm màng bồ đào có thể ở tình trạng nhẹ hoặc nặng, sẽ tùy thuộc vào phần nào của màng bồ đào bị ảnh hưởng.
Viêm màng bồ đào trước: Gây ra đau dữ dội ở mắt, mắt đỏ, đau hơn khi tiếp xúc với ánh sáng chói và giảm thị lực là một trong những triệu chứng điển hình. Bác sĩ chuyên khoa có thể nhìn thấy các mạch máu nổi rõ trên bề mặt của mắt gần rìa giác mạc, các tế bào trôi nổi ở ngay phần phía trước của mắt (thủy dịch) và lắng đọng trên bề mặt bên trong của giác mạc.
Viêm màng bồ đào trung gian thường sẽ là không đau. Thị lực có thể bị giảm sút và người bệnh có thể nhìn thấy các đốm đen bất thường (ruồi bay).
Viêm màng bồ đào sau thường gây nên giảm thị lực và có các đốm đen khi nhìn. Dây thần kinh thị giác có thể bị viêm, gây mất thị lực, có thể thay đổi ở một điểm mù nhỏ đến mù toàn bộ.
Viêm toàn màng bồ đào có thể kết hợp tất cả các triệu chứng này.
Viêm màng bồ đào có thể nhanh chóng gây ra hỏng mắt. Nó có thể mang lại các biến chứng lâu dài, đe dọa đến thị lực, chẳng hạn như phù điểm vàng, tổn thương các phần võng mạc, tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể. Nhiều người chỉ bị một lần viêm màng bồ đào, những người khác sẽ bị tái phát định kỳ trong nhiều tháng đến nhiều năm hoặc bị mãn tính cần phải điều trị lâu dài.
Một trường hợp viêm màng bồ đào thể nặng (Nguồn internet)
Viêm màng bồ đào sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị lực của người bệnh, gây khó khăn trong quá trình sinh hoạt thường ngày . Để phòng ngừa và hạn chế ảnh hưởng của Viêm màng bồ đào thì những biện pháp phòng tránh là yếu tố quan trọng. Trong đó khi ra ngoài nắng chúng ta nên đeo kính râm chống tia cực tím nhằm hạn chế ảnh hưởng tới mắt. Nếu bạn đang băn khoăn chưa biết địa chỉ nào thì hãy tới https://www.paris-miki.vn/gong-kinh để lựa chọn cho mình những cặp kính râm phù hợp cho mình nhé!
4. Điều trị viêm màng bồ đào
4.1 Điều trị theo nguyên nhân:
Khi tìm được ra nguyên nhân hay dựa vào biểu hiện lâm sàng thì cần dùng các thuốc đặc hiệu để điều trị hiệu quả viêm màng bồ đào. Ví dụ: Dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ, thuốc chống virus, chống lao, chống nấm... nên phối hợp theo đường toàn thân và tại chỗ.
4.2 Dùng thuốc giãn đồng tử, liệt thể mi:
Rất nhiều bệnh nhân viêm màng bồ đào đồng tử thường cỡ nhỏ, trong khi mống mắt đang bị viêm, xuất tiết. Vì vậy nguy cơ dính mống mắt với mặt trước thể thuỷ tinh thể là rất cao. Do đó việc dùng thuốc giãn đồng tử để chống dính là điều hết sức cần thiết. Hiện tại thuốc hay được dùng là dung dịch Atropin 1-4%. Thường lần đầu sẽ dùng dung dịch Atropin 4% nhỏ mắt cho bệnh nhân, khi đồng tử giãn tối đa thì tiếp tục dùng dung dịch Atropin 1% nhỏ ngày 1 lần để duy trì. Ngoài tác dụng chống dính, Atropin còn làm việc điều tiết giúp giảm đau và mắt được nghỉ ngơi. Khi dùng dung dịch Atropin nhỏ mắt, cần bịt lỗ lệ để tránh việc thuốc xuống miệng gây ngộ độc như khô miệng, đỏ mặt, mạch nhanh…
Dùng thuốc giãn đồng tử theo chỉ dẫn của bác sĩ (Nguồn internet)
4.3 Thuốc tách dính:
Một số trường hợp khi mống mắt đã dính vào thuỷ tinh thể, vì vậy không đáp ứng khi nhỏ dung dịch Atropin, khi đó phải dùng hỗn hợp Adrenalin 1mg + Atropin sulphat 1/4mg tiêm dưới kết mạc vùng rìa tương ứng nhằm tách dính. Nếu dính toàn bộ có thể tiêm ở 4 điểm 12h, 3h, 6h, 9h.
Chú ý: Nên cẩn trọng khi dùng cho bệnh nhân có tiền sử tim mạch, tăng huyết áp.
4.4 Thuốc chống viêm:
Corticoid, trong viêm màng bồ đào corticoid được dùng tích cực bằng nhiều cách cùng 1 lúc: toàn thân có thể dùng Dexamethason 4mg 1-2 ống/ngày tiêm vùng bắp hoặc tĩnh mạch, Depersolon 30mg 1-2 ống/ngày tiêm tại tĩnh mạch chậm; tại chỗ thường hay dùng Dexamethason 4mg x 1ml tiêm cạnh nhãn cầu; tra nhỏ các thuốc có chứa corticoid như dung dịch Maxitrol, dung dịch Dex Tobrin, dung dịch Oclex...Liều lượng và thời gian dùng corticoid có thể cao hơn hoặc thấp hơn tuỳ theo tình trạng của bệnh.
Các thuốc có tác dụng chống viêm, tiêu viêm, giảm phù nề ở dạng enzym như Hyase, Serratiopeptidase, Alpha Chymotrypsin... đường uống hoặc tiêm cũng có tác dụng đáng kể trong điều trị vấn đề viêm màng bồ đào.
4.5 Thuốc ức chế miễn dịch:
Các thuốc ức chế miễn dịch đa phần tiêu diệt hoặc ức chế các tế bào lympho là yếu tố gây viêm, các thuốc này thường gây độc cho tế bào và gây rất nhiều tác dụng phụ nên chỉ được dùng trong một số trường hợp đặc biệt liên quan tới các yếu tố miễn dịch như: hội chứng Behcet, hội chứng Vogt-Koyanagi-Harada, nhãn viêm đồng cảm hay các dạng viêm màng bồ đào không đáp ứng với corticoid.
4.6 Thuốc giảm đau, an thần:
Đây là các thuốc điều trị triệu chứng, các thuốc liệt thể mi như dung dịch Atropin, dung dịch Homatropin có tác dụng giảm đau tốt. Thuốc giảm đau tác dụng toàn thân có nhiều loại nhưng chỉ nên dùng thuốc các có ít tác dụng phụ nhất như Paracetamol với liều lượng 20-30mg/kg thể trọng/24h chia 3 đến 4 lần
Nếu trong trường hợp cần thiết, có thể cho thêm các thuốc an thần như Diazepam liều thông thường cho người lớn là 5-10mg vào mỗi buổi tối.
Sử dụng bổ sung thuốc giảm đau an thần trong điều trị viêm màng bồ đào(Nguồn internet)
4.7 Thuốc điều trị hỗ trợ:
Các thuốc đa sinh tố có chứa nhiều Vitamin A, B, C, E, PP... có tác dụng tốt cho mắt và nâng cao thể trạng, vì vậy cũng rất cần thiết khi điều trị bệnh mắt nói chung và viêm màng bồ đào nói riêng
Các thuốc hỗ trợ cho gan như: Fotex, Boganic và saganin.
Trong viêm màng bồ đào, một số trường hợp nặng thuỷ dịch quá nhiều mủ vì vậy chất lượng nuôi dưỡng đối với giác mạc sẽ không đảm bảo. Khi đó cần cho bệnh nhân dùng các dung dịch dinh dưỡng giác mạc tại chỗ như: dung dịch Vitamin A, CB2, Sanlein, Oculotect...
4.8 Phẫu thuật, thủ thuật điều trị:
Trong các hình thái nếu nặng, khi tìm được nguyên nhân gây bệnh, có thể cân nhắc việc tiêm kết hợp nội nhãn hoặc dùng kim 2 lòng rửa mủ tiền phòng bằng thuốc đặc hiệu pha loãng trong nước cất, dung dịch RL, Nacl 9‰...
Trong viêm màng bồ đào có thể nên tiến hành một số phẫu thuật, thủ thuật nhằm mục đích chẩn đoán hay phòng bị bong võng mạc như: chích tiền phòng, sinh thiết dịch kính để tìm căn nguyên hoặc cắt dịch kính và laser phòng bong võng mạc.
Đa số các phẫu thuật còn lại là để điều trị những biến chứng như: đục thủy tinh thể, bệnh glocom, bong võng mạc…
Chỉ định phẫu thuật màng bồ đào những trường hợp nặng (Nguồn internet)
5. Một số điểm lưu ý trong điều trị viêm màng bồ đào:
Viêm màng bồ đào là một bệnh khá nặng, cần một thái độ xử trí tích cực vì trong cùng một lúc bệnh nhân phải dùng nhiều loại thuốc. Trong khi đó đa số các loại thuốc đều có nhiều tác dụng phụ không mong muốn đặc biệt như: Corticoid, thuốc gây ức chế miễn dịch, thuốc chống lao, chống nấm, kháng sinh, chống virus... Vì vậy trong quá trình điều trị cần phải cân nhắc thận trọng, tuân thủ các nguyên tắc sau:
Không nên lạm dụng thuốc, chỉ cho bệnh nhân sử dụng những thuốc thực sự cần thiết.
Luôn theo dõi chặt chẽ tình trạng của bệnh nhân, thường xuyên làm các xét nghiệm đánh giá chức năng gan, thận, các thành phần tế bào... định kỳ.
Điều chỉnh phác đồ điều trị kịp thời theo từng tình trạng của bệnh nhân.
Viêm màng bồ đào cần được điều trị theo phác đồ phù hợp (Nguồn internet)
Bệnh viêm màng bồ đào mắt rất nguy hiểm và ảnh hưởng đến mắt sau nay. Vì thế, việc chăm sóc mắt cẩn thận và thăm khám mắt định kỳ là những việc làm tốt nhất giúp phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh lý này. Paris Miki hy vọng thông qua bài viết về một số vấn đề cần biết về bệnh viêm màng bồ đào giúp các bạn có nhiều thông tin hữu ích để bảo vệ tốt đôi mắt của mình. Hãy luôn theo dõi và ủng hộ Paris Miki nhé!